Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Bị cáo chỉ kêu oan, tòa có được quyền giảm án?

11/09/2016, 13:05

(PL)- Quan điểm “bị cáo chỉ kêu oan thì tòa phúc thẩm không giảm án” đang gây tranh cãi. Trong thực tiễn xét xử, vẫn có một số trường hợp HĐXX phúc thẩm giảm án cho bị cáo kháng cáo kêu oan, dù hiếm hoi...

Như Pháp Luật TP.HCM vừa phản ánh, tại phiên phúc thẩm vụ “chai nước có ruồi” ngày 8-9, kiểm sát viên (KSV) phát biểu quan điểm: Đúng ra KSV sẽ căn cứ vào BLHS 2015 để đề nghị HĐXX giảm cho Võ Văn Minh từ hai đến ba năm tù vì có nhân thân tốt. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Minh kêu oan nên KSV đề nghị HĐXX bác kháng cáo và y án sơ thẩm. Khi tuyên án, HĐXX cho rằng Minh chỉ kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX quyết định không giảm hình phạt cho Minh và y án sơ thẩm (bảy năm tù - NV).

Vẫn có HĐXX giảm án

Quan điểm “bị cáo chỉ kêu oan thì tòa phúc thẩm không giảm án” đã gây nhiều tranh cãi. Trong thực tiễn xét xử vẫn có một số trường hợp HĐXX phúc thẩm giảm án cho bị cáo kháng cáo kêu oan như các vụ dưới đây.

Tháng 2-2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo kêu oan nhưng giảm án cho Nguyễn Văn Thủy từ tám năm tù xuống còn bốn năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Theo hồ sơ, Thủy được người khác ủy quyền đòi nợ ông Phạm Văn Long 800 triệu đồng. Thủy nhiều lần tìm gặp, đe dọa ông Long để đòi tiền và bị Công an huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) bắt quả tang trong một lần đe dọa đòi nợ...

Vụ khác, tháng 9-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử vụ “những ván cờ bạc tỉ” từng gây xôn xao dư luận cũng bác các kháng cáo kêu oan nhưng giảm án cho cả bốn bị cáo vì họ có những tình tiết giảm nhẹ chưa được cấp sơ thẩm xem xét.

Trước đó, TAND tỉnh Sóc Trăng phạt Nguyễn Thanh Lèo (nguyên phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng) năm năm tù, Đinh Văn Mười (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Sóc Trăng) bốn năm tù về tội đánh bạc. Tòa cũng phạt Trần Văn Tân (nguyên giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe hạng 3 Sóc Trăng) tổng cộng 13 năm tù về hai tội đánh bạc và cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thanh Truyền mỗi người 12 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, Ngô Huệ Phấn hai năm tù về tội gá bạc. Sau đó, Lèo và Phấn không kháng cáo, còn Mười, Tân, Hùng, Truyền kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa phúc thẩm, dù bác kháng cáo kêu oan nhưng HĐXX vẫn giảm án cho Mười xuống còn hai năm tù vì có mẹ là “Mẹ Việt Nam anh hùng” và hai anh là liệt sĩ; giảm án cho Tân xuống còn sáu năm tù, Hùng và Truyền xuống còn tám năm tù vì đã tác động gia đình khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo.

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên xử phúc thẩm ngày 8-9. Ảnh: H.GIANG

Vì “thói quen” xét xử?

Trường hợp HĐXX giảm án cho bị cáo kháng cáo kêu oan như trên khá hiếm. Nói như nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, có một “căn bệnh cố hữu” của nhiều thẩm phán cấp phúc thẩm là nếu bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà chứng minh được bị cáo không oan thì bác kháng cáo, y án sơ thẩm chứ không hề xem xét đến việc giảm án dù có căn cứ giảm án hay không.

Vì sao lại có chuyện này? Trao đổi, nhiều thẩm phán cho biết: Điều 241 BLTTHS hiện hành (về phạm vi xét xử phúc thẩm) quy định “tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể “các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án” là các phần nào nhưng thực tiễn xét xử cho thấy chúng thường liên quan đến việc xác định sai tội danh, bỏ lọt tội phạm, xử lý vật chứng… chứ không phải là giảm án cho bị cáo.

Theo một luật sư, thói quen xét xử ấy nhiều trường hợp đã dẫn đến thiệt thòi cho bị cáo.

Trong bài viết gửi Pháp Luật TP.HCM, luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: Việc tòa cấp phúc thẩm chỉ xem xét, giải quyết những nội dung, yêu cầu mà bị cáo có kháng cáo, VKS có kháng nghị phù hợp với nguyên tắc tranh tụng trong án hình sự. Theo đó, HĐXX ra bản án dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, chỉ có những nội dung, vấn đề nào được đưa ra tranh tụng trực tiếp tại phiên tòa thì HĐXX mới có căn cứ để xem xét, quyết định đối với nội dung, vấn đề đó.

Chẳng hạn khi bị cáo kháng cáo kêu oan, nội dung tranh tụng tại phiên tòa sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc xem xét bị cáo có oan hay không. Khi đó những tài liệu, chứng cứ của vụ án liên quan đến việc giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo sẽ không được đưa ra xem xét, đánh giá, tranh luận tại phiên tòa nên HĐXX cũng không có cơ sở để quyết định việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đã hợp lý?

Với cách hiểu khác về phạm vi xét xử phúc thẩm, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng tòa cấp phúc thẩm vẫn có quyền cân nhắc giảm án cho bị cáo kháng cáo kêu oan khi có đủ căn cứ như bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ mà cấp sơ thẩm chưa áp dụng. Tuy nhiên, Điều 241 BLTTHS hiện hành quy định “nếu xét thấy cần thiết thì tòa phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Do điều luật dùng các cụm từ “nếu xét thấy cần thiết” và “có thể” nên xem xét hay không là quyền của HĐXX, phụ thuộc vào đánh giá của HĐXX. “Tôi khẳng định HĐXX có quyền giảm án. Nhưng đây là quyền chứ không phải nghĩa vụ nên nếu HĐXX không giảm thì cũng chưa hẳn là trái luật” - TS Tuấn nói.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM), với nguyên tắc có lợi cho bị cáo, khoản 2 Điều 249 BLTTHS hiện hành quy định: Nếu có căn cứ, tòa cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Cạnh đó, khoản 3 Điều 249 BLTTHS hiện hành quy định: Trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn mà nếu có căn cứ, tòa cấp phúc thẩm vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn... Tức tòa cấp phúc thẩm hoàn toàn có thể giảm án trong cùng tội danh mà tòa cấp sơ thẩm đã xử hoặc tuyên xử tội nhẹ hơn nếu có căn cứ.

“Không có điều khoản nào của BLTTHS và các văn bản dưới luật quy định nếu bị cáo kháng cáo kêu oan mà không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt thì nếu bác kháng cáo, tòa cấp phúc thẩm phải giữ nguyên bản án sơ thẩm mà không được giảm nhẹ hình phạt. Kêu oan là quyền của bị cáo, còn nhiệm vụ của tòa cấp phúc thẩm là phải vận dụng đúng quy định của pháp luật. Bản án phúc thẩm xác định bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan nên không giảm án là chưa đúng quy định pháp luật” - luật sư Công nhấn mạnh.

Vụ “chai nước có ruồi”: 7 năm tù là mức án thấp nhất!

Theo quy định hiện hành, nếu các cấp tòa xác định Võ Văn Minh phạm tội cưỡng đoạt tài sản theo điểm a khoản 4 Điều 135 BLHS hiện hành (chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên) thì mức án bảy năm tù đã là mức thấp nhất chứ không thể giảm án hơn đối với Minh được nữa.

Cụ thể, khung hình phạt tại khoản 4 Điều 135 BLHS là 12 năm đến 20 năm tù. Khi xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã áp dụng Điều 47 BLHS hiện hành để xử Minh dưới khung hình phạt truy tố. Điều 47 BLHS quy định rất rõ: “... tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”. Ở đây, khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật là từ bảy năm đến 15 năm tù (khoản 3 Điều 135 BLHS) nên bảy năm tù là mức án thấp nhất mà tòa có thể áp dụng đối với Minh. Nếu giảm án hơn nữa là tòa làm trái luật.

Mặt khác, khoản 2 Điều 54 BLHS 2015 (đang tạm thời lùi hiệu lực thi hành nhưng điều khoản nào có lợi cho bị cáo vẫn được áp dụng) quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”. Ở đây Minh không thuộc trường hợp “là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể” nên không được áp dụng quy định mới có lợi này.

Vẫn có KSV chủ động đề nghị

Nếu như KSV tại phiên phúc thẩm vụ “chai nước có ruồi” nói vì bị cáo Võ Văn Minh kêu oan nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo và y án sơ thẩm thì trong một vụ án tương tự, KSV lại chủ động đề nghị HĐXX giảm án cho bị cáo.

Đó là KSV tại phiên xử của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM hồi tháng 9-2011 để xem xét kháng cáo kêu oan của nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây Huỳnh Ngọc Sĩ. Trong phần tranh luận, KSV nói đủ cơ sở chứng minh bị cáo Sĩ phạm tội nhận hối lộ nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo kêu oan. Tuy nhiên, KSV đề nghị HĐXX xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo và phạt 20 năm tù (án sơ thẩm phạt Sĩ tù chung thân) bởi bị cáo phạm tội thụ động do bị dụ dỗ, mua chuộc; cơ chế kiểm tra của Nhà nước còn bất cập và gia đình bị cáo đã nộp 3 tỉ đồng thu lợi bất chính.

L.TRINH - N.NGA - H.YẾN.

Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác

Theo Dõi Trên FACEBOOK

Theo Dõi Trên Google Plus

Thống Kê