Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Trao đổi nghiệp vụ: các vấn đề về Kinh doanh – Thương mại, Lao động (kỳ 1)

11/09/2016, 21:29

Luatsuhongocdiep.vn tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc những nội dung trao đổi nghiệp vụ của Học viện Toà án liên quan đến các vấn đề về Kinh doanh – Thương mại, Lao động.

Câu hỏi 1.

Công ty TNHH A kinh doanh xăng dầu. Ông Nguyễn Văn B có một xe ôtô tải chuyên đi chở hàng thuê, nhưng không có giấy phép kinh doanh. Công ty A và ông B ký hợp đồng bán lẻ xăng dầu với nội dung: Hàng ngày ông B lái xe ô tô đến cửa hàng bán lẻ xăng dầu công ty A đổ xăng vào ô tô, hai bên ghi sổ và ký xác nhận từng ngày, cứ sau 30 ngày thì ông B thanh toán tiền trả công ty A.

Hai bên thực hiện hợp đồng được 5 tháng thì chấm dứt hợp đồng. Công ty A và ông B đã đối chiếu sổ sách thì ông B còn phải trả thanh toán trả Công ty A tiền mua xăng là 20 triệu đồng. Công ty A làm biên bản và ông B ký xác nhận nợ số tiền trên. Do ông B không trả được nợ nên Công ty A khởi kiện ra toà án.

Vụ việc trên toà án thụ lý giải quyết theo vụ án kinh doanh thương mại hay vụ án dân sự?

Trả lời:

Tranh chấp kinh doanh, thương mại cũng là một dạng của tranh chấp dân sự, nhưng là tranh chấp dân sự đặc biệt.Vì vậy, pháp luật quy định trình tự, thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại có những điểm khác so với tranh chấp dân sự thông thường.

Điều 29 BLTTDS quy định:

“1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:

…”

Như vậy, theo quy định tại Điều 29 BLTTDS thì một tranh chấp được coi là tranh chấp kinh doanh, thương mại phải thỏa mãn 2 điều kiện là cả hai bên đều phải có đăng ký kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định: “Tòa Kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tạiĐiều 29 và Điều 30 của BLTTDS; các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận”. Theo hướng dẫn của Nghị quyếtnêu trên thì trong trường hợp một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận vẫn là tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Trong trường hợp trên, tuy lái xe không có đăng ký kinh doanh, nhưng việc vận chuyển hàng hóa là hoạt động thường xuyên và có mục đích lợi nhuận, nên tranh chấp giữa Công ty TNHH A và ông Nguyễn Văn B là tranh chấp kinh doanh thương mại, Tòa án thụ lý giải quyết theo vụ án kinh doanh thương mại.

Câu hỏi 2. Tranh chấp về việc vay nợ giữa một công ty TNHH với chủ hiệu cầm đồ. Việc vay nợ không ký kết hợp đồng bằng văn bản mà Giám đốc công ty TNHH chỉ viết biên nhận vay nợ và ký nhưng không có dấu và nói là vay về để kinh doanh. Tòa án thụ lý vụ án dân sự hay kinh doanh, thương mại.

Trả lời:

Xác định là vụ án kinh doanh, thương mại khi cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận. Mục đích lợi nhuận về phía hiệu cầm đồ thì đã rõ nhưng về phía Giám đốc công ty TNHH thì phải làm rõ có phải vay cho Công ty hay không.

Hợp đồng là sự thỏa thuận của hai hoặc nhiều bên làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ. Hợp đồng có thể là hợp đồng miệng, có thể là hợp đồng bằng văn bản. Biên bản nhận nợ cũng chính là một loại hợp đồng bằng văn bản. Tuy nhiên, những loại hợp đồng mà pháp luật quy định phải tuân theo một hình thức nhất định (như phải được công chứng, được đăng ký…) thì việc giao kết phải tuân theo quy định mới có giá trị pháp lý. Hợp đồng vay tiền của hiệu cầm đồ không đòi hỏi phải công chứng, chứng thực hay theo mẫu nào nhất định nên việc biên nhận như nêu ở trên cũng là hợp đồng cho vay không vi phạm về hình thức.

Vấn đề cần làm rõ là chủ thể vay là Công ty TNHH hay là cá nhân Giám đốc. Nếu đã đóng dấu Công ty thì giao dịch mà Giám đốc thực hiện là nhân danh Công ty, Công ty phải chịu trách nhiệm về giao dịch của Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty (Công ty là bên vay tiền). Nếu không đóng dấu Công ty nhưng thực tế đã nhập tiền về sử dụng cho Công ty thì chủ thể vay vẫn là Công ty. Khi chủ thể vay là Công ty thì nội dung “vay để kinh doanh” trong biên nhận là đúng, và do vậy, quan hệ này là quan hệ kinh doanh, thương mại.

Nếu là việc Giám đốc lợi dụng danh nghĩa Công ty để vay riêng thì Công ty không chịu trách nhiệm do không đóng dấu Công ty nên chưa phải là nhân danh Công ty, không rõ mục đích lợi nhuận nên phải giải quyết theo thủ tục vụ án dân sự.

Câu hỏi 3. Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện đòi tiền vay vốn (bằng hợp đồng tín dụng) của hộ gia đình (thuộc diện hộ gia đình nghèo, được cho vay qua Hội phụ nữ). Tranh chấp này xác định là vụ án kinh doanh thương mại hay vụ án dân sự?

Trả lời:

Ngân hàng chính sách xã hội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-NH5 ngày 01/9/1995 của Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam để thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Điểm 2 Điều 4 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác quy định: “Hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước đảm bảo khả năng thanh toán; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.”

Hoạt động cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội không vì mục đích lợi nhuận được thể thể hiện ở những ưu đãi cho người vay như ưu đãi về thời hạn vay, về lãi suất…Ví dụ Điều 18 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ quy định về lãi suất cho vay như sau:

“1. Lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ các tổ chức kinh tế thuộc đối tượng được quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 2 Nghị định này do Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định có phân biệt lãi suất giữa khu vực II và khu vực III.

2. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay.”

Như vậy, việc cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội với hộ gia đình nghèo vẫn có quy định về lãi dù là lãi suất ưu đãi. Vì vậy, tranh chấp giữa Ngân hàng chính sách xã hội và hộ gia đình về hợp đồng tín dụng vẫn xác định là tranh chấp kinh doanh, thương mại theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòaán nhân dân tối cao ngày 03/12/2012.

Câu hỏi 4. Trong hợp đồng vay vốn có ghi người thừa kế là chồng của người vay (người thừa kế không phải ký xác nhận vào hợp đồng). Hợp đồng không có điều khoản nào ghi trách nhiệm của người thừa kế. Tòa án có đưa người thừa kế vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?

Trả lời:

Trước tiên, trong trường hợp này cần xác định rõ hợp đồng quy định thế nào về quyền, nghĩa vụ của người thừa kế trong quan hệ hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ của người thừa kế thì quyền và nghĩa vụ của họ phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không có quy định nào của pháp luật quy định việc người thừa kế phải chịu trách nhiệm thay cho người ký hợp đồng khi người ký hợp đồng còn sống mà chỉ có quy định về trách nhiệm của người thừa kế khi người vay đã chết. Do đó, không phải trong mọi trường hợp đều đưa người thừa kế của người vay vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp phải đưa người chồng hay vợ của người vay vào tham gia tố tụng là trường hợp có dấu hiệu giao dịch do người vay thực hiện có liên quan đến kinh tế chung của gia đình hoặc tài sản bảo đảm cho hợp đồng vay là tài sản chung của vợ chồng.

Câu hỏi 5.

Công ty A cho công ty B thuê tàu bằng hợp đồng thuê tài chính với thời hạn là 144 tháng. Công ty B cho công ty C thuê lại. Trong quá trình sử dụng tàu bị hỏng, nên công ty C thuê công ty D sửa chữa. Chưa hết thời hạn hợp đồng, nhưng do công ty B vi phạm hợp đồng nên công ty A đã có quyết định thu hồi tài sản. Công ty A khởi kiện công ty D đòi lại tàu.

Xác định đây là tranh chấp dân sự hay kinh doanh thương mại? Nếu là án dân sự thì phải xem xét hợp đồng cho thuê tài chính không? Khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án được biết  công ty B và công ty C đều đã đóng cửa, không biết địa chỉ của người đại diện thì Tòa án có thụ lý giải quyết không?

Trả lời:

Đây là vụ án đòi lại tài sản với tư cách chủ sở hữu tài sản đòi lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình đang do người khác chiếm giữ theo quy định tại Điều 169 BLDS.

Các quan hệ giao dịch trong trường hợp này bao gồm: Công ty A cho Công ty B thuê tàu bằng hợp đồng thuê tài chính; Công ty B cho Công ty C thuê lại tàu theo hợp đồng cho thuê lại; Công ty C thuê công ty D sửa chữa tàu theo hợp đồng dịch vụ.

Như vậy, giữa Công ty A và Công ty D không có quan hệ giao dịch với nhau, nên nếu Công ty A khởi kiện Công ty D để đòi lại tàu thì đó chỉ là tranh chấp dân sự thông thường.

Tuy nhiên, việc có xem xét hợp đồng thuê tài chính hay không thì phải xem có yêu cầu độc lập về vấn đề này không. Trường hợp có yêu cầu, thì hai bên của hợp đồng là Công ty A và Công ty B đều có mục đích lợi nhuận, nên đây là tranh chấp kinh doanh, thương mại (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP). Không thể giải quyết tranh chấp về  hợp đồng thuê tài chính (tranh chấp kinh doanh, thương mại) và đòi lại tàu (tranh chấp dân sự) trong cùng một vụ án vì tố tụng có khác nhau (về thẩm quyền giải quyết và thời hạn giải quyết). Trong trường hợp này, vụ án kinh doanh, thương mại cần phải giải quyết trước vì là giao dịch xảy ra trước và thủ tục giải quyết tranh chấp này là thủ tục riêng biệt trong tố tụng dân sự chung. Do đó, cần tạm đình chỉ giải quyết vụ án về dân sự và tiếp tục giải quyết sau khi đã có kết quả của việc giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại (theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 BLTTDS là trường hợp “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan”).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 BLTTDS thì: “Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn, thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết”. Pháp luật quy định đơn khởi kiện phải ghi địa chỉ của bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không đòi hỏi phải là điạ chỉ mà họ đang thực tế cư trú. Trong trường hợp bị đơn cố tình dấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì dù nguyên đơn không biết địa chỉ của người bị kiện thì Tòa án vẫn thụ lý giải quyết theo thủ tục chung (Theo hướng dẫn tại công văn số 109/KHXX ngày 30/6/2006 của Tòa án nhân dân tối cao). Vì vậy, trong trường hợp Công ty B và Công ty C đều đã đóng cửa không hoạt động thì vẫn là có địa chỉ (địa chỉ trước khi đóng cửa), Tòa án vẫn có thể thụ lý, xét xử theo thủ tục chung nhưng thủ tục thông báo, tống đạt phải theo đúng quy định tại Chương X BLTTDS.

(còn tiếp…)

Nguồn: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỌC VIỆN TOÀ ÁN

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác