Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn Luật sư Thành Phố Hồ Chí Minh

Vấn đề xử lý tài sản… Kỳ 2 : Xác định sở hữu là việc của toà.

29/05/2016, 14:45

KỲ 2 :  XÁC ĐỊNH SỞ HỮU LÀ VIỆC CỦA TOÀ

Như ở nội dung bài trước đã đề cập, một khi có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản là vật vô chủ, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên thì về nguyên tắc, UBND cấp xã hay cơ quan công an, không có thẩm quyền tự mình xác định quyền sở hữu tài sản đó thuộc về ai, để giao trả lại tài sản cho họ.

 Tuy nhiên, khác với những tranh chấp dân sự thông thường, trên thực tế, bao giờ cũng có một bên chủ động khởi kiện, và khi toà án đã thụ lý thì việc xác định quan hệ tranh chấp tương đối rõ ràng. Trái lại, trong các vụ việc liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, dấu hiệu tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, lúc đầu bao giờ cũng tỏ ra khá mờ nhạt, không rõ ràng.

Nguyên nhân có lẽ là do tính chất của mối quan hệ tranh chấp này khá đa dạng trên thực tế, và nó có thể phát sinh ở từng thời điểm, từng giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, ở giai đoạn thông báo công khai, do chưa hết thời hạn thông báo, nên người nhặt được tài sản không thể yêu cầu cơ quan quản lý tài sản bàn giao tài sản nhặt được, để họ xác lập quyền sở hữu theo quy định tại các điều 239, 241 BLDS. Tuy nhiên, họ vẫn có thể không đồng ý việc cơ quan tiếp nhận và quản lý tài sản, trả lại tài sản do họ nhặt được cho người tự nhận mình là chủ sở hữu, với lý do người đến nhận không phải là người đã bỏ quên, đánh rơi tài sản mà họ đã nhặt được (như trường hợp tài xế taxi đã nêu ở bài trước không đồng ý người đến nhận tài sản là người đã bỏ quên túi xách trên xe chẳng hạn).

Ở một tình huống khác, việc tranh chấp cũng có thể xảy ra sau thời hạn thông báo công khai. Ở giai đoạn này, nếu có người đến nhận mình là chủ sở hữu tài sản, thì người nhặt được tài sản, có thể đưa ra hai lý do để không đồng ý việc cơ quan chức năng giao trả tài sản. Thứ nhất, họ có thể cho rằng, người đến nhận tài sản không phải là chủ sở hữu (như trường hợp bà Ngọt trong vụ việc của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng). Thứ hai, họ có thể đồng ý người đến nhận tài sản là chủ sở hữu, nhưng lại cho rằng, đã hết thời hạn thông báo công khai theo luật định, nên họ có quyền được xác lập sở hữu theo quy định tại các điều 239, 241 BLDS.

Như vậy có thể thấy, phần lớn các lý do phát sinh tranh chấp đều nằm ở giai đoạn UBND cấp xã hoặc cơ quan công an nơi tiếp nhận tài sản, đang trong quá trình xử lý vụ việc theo thủ tục hành chính. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì các cơ quan này lại không có thẩm quyền xác định ai là chủ sở hữu tài sản.

Mặt khác, tại thời điểm này, cơ quan chức năng cũng chưa chính thức công nhận hay bàn giao tài sản nhặt được cho ai, nên các bên đương sự cũng khó có thể thực hiện thủ tục khởi kiện tại toà án để yêu cầu công nhận quyền sở hữu cho mình hay bác bỏ tư cách sở hữu của người khác. Do vậy, rất khó có thể phân định thẩm quyền giải quyết vụ việc giữa các cơ quan ở giai đoạn này.

Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định chung của BLDS cũng như phần xác định về thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) hiện hành, có thể thấy, bất kỳ một quan hệ pháp luật nào liên quan đến tài sản và quyền sở hữu, một khi đương sự có yêu cầu công nhận hay tranh chấp, đều thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

Vì vậy, khi gặp những tình huống này, cách tốt nhất là UBND cấp xã hoặc cơ quan công an đang trực tiếp xử lý vụ việc, cần tổ chức cho các bên đương sự tự hoà giải, thương lượng với nhau. Trường hợp họ không tự hoà giải, thương lượng được thì cơ quan này vẫn tiếp tục quản lý tài sản, đồng thời hướng dẫn một trong các bên đương sự làm đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu gửi đến toà án để được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

Cũng cần lưu ý rằng, theo quy định của BLTTDS hiện hành, việc một trong các bên đương sự chủ động gửi đơn đến toà án yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản theo thủ tục tố tụng việc dân sự (không có tranh chấp) có thể sẽ không được toà án thụ lý. Bởi lẽ, BLTTDS hiện hành chỉ quy định duy nhất một trường hợp toà án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự về yêu cầu xác định quyền sở hữu tài sản, đó là trường hợp xác định quyền sở hữu tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 7 Điều 26 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS). Ngoài ra, không có điều khoản nào quy định, toà án còn có thẩm quyền giải quyết việc dân sự đối với những trường hợp khác, khi đương sự có yêu cầu công nhận hay xác định quyền sở hữu về tài sản nói chung.

Tuy nhiên, theo tinh thần quy định tại khoản 10 điều 27 BLTTDS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01 – 7 – 2016) thì ngoài những yêu cầu về dân sự đã được liệt kê trong điều luật, toà án còn có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, kể từ sau ngày 01 – 7 – 2016, trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, các bên đương sự có thể khởi kiện vụ án dân sự hoặc gửi đơn đến toà án để yêu cầu công nhận quyền sở hữu tài sản theo thủ tục tố tụng việc dân sự được quy định tại khoản 10 điều 27 nói trên.

Còn tiếp

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP  

Thích và chia sẻ bài viết này

Tin tức khác